Kịch Noh – “Quốc hồn” của xứ sở Mặt trời mọc

Trong các bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Nhật Bản, kịch Noh được đánh giá là nghệ thuật biểu diễn mang đậm bản sắc dân tộc và kịch nghệ Nhật Bản nhất. Loại hình nghệ thuật kinh điển này được coi là “quốc hồn” của xứ sở Mặt trời mọc.

Kịch Noh - “Quốc hồn” của xứ sở Mặt trời mọc
Kịch Noh – “Quốc hồn” của xứ sở Mặt trời mọc

Kịch Noh xuất hiện vào thế kỷ XIV, kế thừa từ nhiều loại hình nghệ thuật trước đó như: nghệ thuật đại chúng, dân gian, cung đình… nhưng chủ yếu là từ Sarugaku (viên nhạc, mang tính giải trí) và Dengaku (điền nhạc, mang tính tôn giáo). Đến thời kỳ Muromachi (1333-1573), được sự bảo trợ của các vị tướng quân và nhu cầu giải trí văn nghệ của võ sĩ – tầng lớp mới của xã hội, kịch Noh phát triển hưng thịnh. Từ năm 1603, các vở kịch Noh mang hình thái nghi lễ trọng thể nên được trình diễn trong những dịp lễ hội, mừng ngày nhà vua lên ngôi, ngày cử hành hôn lễ của các bậc quyền quý, ngày phong tước, ngày các gia đình quyền quý sinh con trai, lễ trưởng thành của các trưởng nam, thứ nam của các bậc quyền quý…

Do tương đồng với quan niệm của thiền nên kịch Noh không quá lộng lẫy, phô trương, cũng không quá dân dã mà giản dị, sâu lắng và mang đậm tính u huyền, bao gồm 3 nguyên tắc là Myoka (vẻ đẹp mỹ miều như một bông hoa), Hie (vẻ đẹp cô quạnh, lạnh lẽo) và Mumon (vẻ đẹp nội tâm mà không cần cất thành lời). Hoa còn được hiểu như là quá trình, là sự công phu luyện tập của người diễn viên. Hoa nhất thời có thể chỉ các diễn viên thiếu niên có vẻ đẹp trong sáng, giọng ca trong trẻo nhưng sẽ tàn đi theo thời gian. Hoa thật sự là sẽ nảy nở trong suốt cả sự nghiệp khổ công luyện tập của người nghệ sĩ.

Kịch Noh - “Quốc hồn” của xứ sở Mặt trời mọc
Kịch Noh – “Quốc hồn” của xứ sở Mặt trời mọc

Noh là bộ môn kịch nghệ nên những gì chuyển tải tới người xem đều thông qua những cử chỉ mang tính ước lệ, những cử chỉ không qua phô trương mạnh mẽ mà chậm rãi uyển chuyển, thu nhiều động tác vào một động tác. Hay nói cách khác, nghệ thuật Noh chú trọng gợi hơn tả, kích thích trí tưởng tượng của khán giả. Ví dụ, khi có tiếng dế rúc lên trong bụi cây, người diễn viên không được có hành động lộ liễu chứng tỏ mình đang nghe như đưa hai tai lên nghe ngóng. Anh ta phải hạ thấp ánh mắt về phía đó và nhẹ nhàng nghiêng đầu về một bên tóat lên một cử chỉ như thề “nhìn thấy một âm thanh”.

Do tính ước lệ cao của kịch nghệ, để khán giả không bị phân tâm, người diễn viên thường đeo những chiếc mặt nạ Noh phù hợp với từng vai diễn của mình nhằm che dấu những cảm xúc của bản thân. Có hơn 250 loại mặt nạ nhưng có thể chia thành 5 loại mặt nạ chính là Thần, Nam, Nữ, Cuồng (kỳ lạ) và Quỷ. Mặt nạ Noh phần lớn được chạm khắc từ loại gỗ Hinoki. Trong số các loại mặt nạ, loại dành cho Quỷ (đặc biệt là Hannya) lại được chạm khắc công phu và tinh xảo nhất trên loại gỗ cứng. Ngược lại, loại dành cho nữ (nhất là Ko omote, thiếu nữ) chạm khắc ít nhất nhưng tinh tế nhất trên loại gỗ mềm.

Bên cạnh đa số vai diễn sử dụng mặt nạ, có một số vai diễn không sử dụng mặt nạ như vai thị đồng (dành cho diễn viên trẻ, ít kinh nghiệm) và Hitamen (diễn viên lão thành). Với loại vai Hitamen, diễn viên phải dồn nén cảm xúc để diễn bằng khuôn mặt thật, không hóa trang với nét mặt lạnh lùng, mắt nhìn vào cõi hư không trong suốt buổi diễn. Chỉ có những nghệ sĩ bậc thầy, dày dạn kinh nghiệm mới có thể biến chính khuôn mặt mình thành mặt nạ Ko omote. Khi khuôn mặt – mặt nạ trở thành tấm gương thu nhỏ và phóng đại cảm xúc cũng chính lúc người nghệ sĩ đã lột tả được hết vẻ đẹp của kịch Noh và đạt tới đỉnh cao nghệ thuật biểu diễn này.

Có hơn 250 loại mặt nạ nhưng có thể chia thành 5 loại mặt nạ chính là Thần, Nam, Nữ, Cuồng (kỳ lạ) và Quỷ
Có hơn 250 loại mặt nạ nhưng có thể chia thành 5 loại mặt nạ chính là Thần, Nam, Nữ, Cuồng (kỳ lạ) và Quỷ

Kịch Noh được Nhật Bản gìn giữ, bảo tồn và phát triển bằng nhiều cách khác nhau. Từ việc thông qua Luật chấn hưng các ngành nghề truyền thống, cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm mặt nạ, nhạc cụ, trang phục, chính sách hỗ trợ, công nhận các nghệ nhân kịch Noh là nghệ nhân quốc bảo đến việc tuyên truyền để thu hút khán giả, nhất là các du khách nước ngoài. Để loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống phát triển và có cơ hội tiếp cận đến với khách du lịch, Nhật Bản đã mở những tour du lịch trọn gói có phần xem kịch Noh, học làm sushi, xem đấu Samurai… Các nhà hát kịch Noh còn chú trọng công tác biểu diễn phục vụ khách du lịch trong các lễ hội của Nhật Bản.


Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0982 159 496
Chat Facebook
Gọi ngay: 0982159496